U CHO TIỀN…

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho ông bà

me-gia

Truyện của thầy Văn Giá. Rất xúc động. Ai có cha mẹ ở xa đọc nhé:
(Copy từ face chị Dương Ngọc Hân)

Đối với phận làm con có cha mẹ già thì người vất vả nhất là người ở cùng các cụ. Ở cùng tức là chăm sóc trực tiếp từ miếng ăn miếng uống, giấc ngủ, tắm giặt, hầu hạ sớm hôm. Những lúc các cụ khỏe thì còn đỡ, nhưng khi ốm đau nằm bệt thì vô cùng phiền toái. Nhất là khi các cụ thấy khó ở trong người, các cụ rên rẩm, than phiền, mắng mỏ đủ điều, không thấy gì là vừa ý…Ấy là mình muốn nói đến anh chị cả nhà mình. Anh chị chăm sóc các cụ một cách kiên nhẫn, phi thường.

Sướng nhất là những đứa con ở xa. Thỉnh thoảng mới về. Khi về thì đồng quà tấm bánh. Toàn nói những lời dễ nghe. Khi đi khỏi nhà lại giúi cho các cụ đôi đồng. Chả bao giờ phải hầu các cụ, chả bao giờ phải nghe các cụ bẳn gắt…Người đi xa, trong con mắt các cụ, lại là những đứa đáng thương nhất. Thương vì chúng ở xa, không được gần nhà, ngày giỗ ngày Tết có khi vắng mặt, hoặc có về cũng không được ở lại lâu. Thế thôi, chứ cũng chả phải vì chúng khổ nỗi gì…Ấy là các cụ nghĩ thế.

Hôm rồi, trước khi rời nhà về phố, cụ bà gọi con dâu vào trong buồng thì thào cái gì đó lâu lắm. Rồi khi vợ bước ra khỏi nhà lên xe thấy mắt đỏ hoe. Mình đâm lo, không biết có chuyện gì. Hay là cụ trách mắng gì…

Lên xe, trên đường về gặng hỏi, vợ mới khai rằng bà gọi vào cho tiền. Bà bảo u bây giờ già yếu rồi, không biết sống chết thế nào, u có ít tiền dành dụm được, u cho hai cháu, để sau này chúng nó cưới vợ thì gọi là có chút quà của ông bà. U không có nhiều, chỉ có tí gọi là. Chúng nó (tức là con của các anh chị em trong nhà) u đều cho ít nhiều. Không đứa nào được so bì. Riêng cái thằng đích tôn u cho nhiều hơn chút, bởi vợ chồng nó ở với ông bà…Con cầm lấy, về đến nhà mới được mở ra nhé!...Em thoáng có ý nghĩ không nhận, nhưng rồi em nhận luôn, nhận cho ông bà vui.

Mình nhanh đẩu đoảng bảo thì cứ mở ra xem u cho bao nhiêu nào! Vợ nhất quyết làm theo lời u dặn.

Khuya hôm ấy, khi công việc đã xong, chỉ còn hai vợ chồng, vợ trịnh trọng lấy ra một bọc nilon, trong bọc là một chiếc tất cũ, trong chiếc tất là một cục tiền với nhiều mệnh giá 500, 100, 200, 50, 20, 10 nghìn đủ loại. Thì ra u tích cóp từ lâu.

Vợ chồng im lặng, không ai nói câu nào. Lúc sau mình bảo: Đây toàn là tiền con cháu cho ông bà, mừng tuổi hoặc cho vặt, ông bà tích cóp đây mà. Vợ mình mắt lại đỏ hoe…

Lần trước về thăm ông bà, thấy các cụ yếu rồi, trước khi đi mình lại nói với ông bà rằng từ nay chúng con đưa tiền cho bác cả để bác cả chăm sóc ông bà, thôi không đưa tiền cho ông bà nữa, ông bà có tiêu gì đến tiền nữa đâu…

Bây giờ thì mình thấy nói thế là không được, là vô tâm, là bất nhẫn. U vẫn cần tiền chứ. Có thể chả mua gì. U cần tiền để lại dành dụm cho con cháu. Nhưng cái quan trọng nhất là khi có đồng tiền trong tay chắc u có cảm giác tự tin hơn trước con cháu, trước người khác. Và nhất là u vẫn thấy đời mình còn có ích…

Vợ mình bảo, em sẽ thêm ít tiền vào, đánh hai chỉ vàng để dành, khi nào chúng nó lớn đi lấy vợ, sẽ đưa cho chúng bảo đây là quà của ông bà nội gửi tặng các con. Đến lúc ấy, ông bà chắc gì còn nữa.
Nói đến đây mắt vợ lại đỏ hoe…

Ngày sinh nhật, 7/5/2017

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.