Bi hài chuyện giáo dục giới tính: 'Ba mẹ con làm vậy đó!' Featured


Một cặp vợ chồng làm trong ngành truyền thông tại TP.HCM đã 'đứng hình' khi nghe đứa con gái hồn nhiên nói với ông bà ngoại: 'Ông bà bắt tréo chân qua đi, rồi đắp mền lại. Ba mẹ con làm vậy đó!'.

Đó là một trong những trường hợp dở cười dở khóc liên quan đến câu chuyện giáo dục giới tính của phụ huynh đối với con em mình.


Trùm mền coi… phim
Tự tin với vốn kiến thức và trải nghiệm có được khi làm việc ở ngành truyền thông, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hoàng (ngụ Q.8, TP.HCM) cảm thấy thoải mái trong việc nuôi dạy con cái, kể cả việc giáo dục giới tính. Tuy nhiên, gần đây, anh Hoàng cho hay hai con anh (bé gái 5 tuổi, bé trai 4 tuổi) có những hành vi khiến vợ chồng anh bối rối.
Anh Thanh Hoàng kể: “Các con tôi hay coi phim Nàng tiên cá, Siêu nhân trên YouTube. Hết phim này lại có đường dẫn tới phim khác, theo cùng một chủ đề. Có lần, tôi rất ngạc nhiên khi thấy con gái mình trùm mền lại để coi phim. Hóa ra, nó đang xem đoạn phim không lành mạnh có cảnh nàng tiên cá ăn mặc hở hang đang quằn quại khêu gợi một ông già. Tôi la nó thì nó khóc, nó biết như vậy là sai. Sau này, đụng đến những cảnh nhạy cảm thì nó hỏi: Ba/mẹ cho con coi được không?”.

Lần khác, anh Hoàng tá hỏa khi bắt gặp hai đứa con chơi trò đám cưới, một đứa làm chồng, một đứa làm vợ rồi đắp mền ôm nhau.
Đặc biệt mới đây, khi sang nhà ngoại chơi, con gái anh đã hồn nhiên nói: "Ông bà bắt tréo chân qua đi, rồi đắp mền lại. Ba mẹ con là làm vậy đó!". Anh Hoàng vỡ lẽ rằng vợ chồng có những hành vi âu yếm nhau mà con vô tình bắt gặp, khiến nó bị “tiêm nhiễm”.


Anh tâm sự: Vợ chồng tôi thường nằm ngủ xen kẽ với con cái trên cùng một chiếc giường. Nửa đêm vợ chồng sinh hoạt xong, quên trở lại vị trí cũ. Sáng ra, mấy đứa con có ý kiến liền: "Ba khoái nằm với mẹ ghê ta!". Có hôm vợ chồng ‘khều’ nhau định ra phòng khách trải nệm thì con gái mở cửa chạy ra theo, nói: "Mẹ yêu ba lắm nè! Trong phòng không nằm mà mẹ ra đây nằm…".


Những lúc đó, vợ chồng anh Hoàng giải thích cho con rằng: “Ba mẹ là phải yêu nhau, ngủ chung với nhau. Ba mẹ nhiều lần muốn mua giường riêng nhưng sợ tụi con buồn và không chịu. Còn tụi con là chị em, dù thương yêu nhau nhưng không được bắt chước như ba mẹ”.


Theo vợ chồng anh Hoàng, từ khi con gái mới 2 tuổi, anh chị lưu ý cho con một số chuyện về giới tính, chẳng hạn: Không ai được đụng vào "vùng kín" của con, trừ ba mẹ (khi tắm cho con); dạy con đề phòng nạn quấy rối ở hồ bơi; nhắc con gái giữ gìn ý tứ khi mặc váy…


Tuy nhiên, anh Hoàng nhìn nhận vợ chồng anh còn lơ là trong việc hướng dẫn, trang bị cho con trai mình những kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. Bởi lẽ, anh chị nghĩ rằng môi trường của con gái dễ gặp những cảnh nguy hiểm hơn là con trai!


Nên giáo dục giới tính cho trẻ khi nào?

giao-duc-gioi-tinh-3
Theo tiến sĩ xã hội học - thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Phạm Thị Thúy, giáo dục giới tính là giáo dục làm người, giúp trẻ tự tin, hiểu và quý trọng giá trị bản thân để biết cách tự bảo vệ chính mình và không xâm hại người khác.
Bà Thúy trăn trở: Có một thực tế ở VN là phụ huynh cảm thấy rất khó nói chuyện với con về giáo dục giới tính. Trong khi đó, những trẻ lớn lên phạm pháp, có những vấn đề liên quan đến việc quan hệ với người khác là do các bậc cha mẹ đã không dạy cho con từ bé, để cho trẻ gặp nhiều khúc mắc không lời giải đáp.

Trước câu hỏi: “Nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ từ khi nào?”, tiến sĩ Thúy nói: “Khi trẻ từ 0 - 2 tuổi, chúng ta dạy trẻ bằng cách chăm sóc cơ thể và vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục của trẻ. Giai đoạn trẻ từ 3 - 5 tuổi là cần quan tâm nhất đến giáo dục giới tính cho trẻ, bởi đây là giai đoạn trẻ có rất nhiều thắc mắc, chẳng hạn: Con được sinh ra từ đâu? Tại sao con có mặt trên đời này?...”.


Thế nhưng, theo bà Thúy, có nhiều ông bố bà mẹ đã trả lời theo kiểu né tránh như: "Con được bố mẹ nhặt từ bệnh viện về" hoặc "Ông trời ban xuống cho ba mẹ"…


“Chúng ta không nên che giấu hoặc nói sai sự thật. Cũng không nên hù dọa, chỉ trích trẻ hỏi những câu như vậy là hư. Thay vào đó, cần sự tôn trọng cảm xúc và tò mò của trẻ, thẳng thắn, rõ ràng, và cởi mở chia sẻ với trẻ. Chúng ta có thể trả lời trẻ bằng những câu chuyện, có sự minh họa sinh động để con dễ hình dung”, bà Thúy nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thúy, không ai giáo dục giới tính cho trẻ tốt hơn là cha mẹ, ông bà, những người thường xuyên chăm sóc trẻ. Cần tạo mọi cơ hội để nói chuyện với trẻ đồng thời khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, nhằm giúp trẻ tăng sự hiểu biết và tạo sợi dây gắn kết gia đình.


“Nếu không giáo dục giới tính cho con hoặc giáo dục không đúng thời điểm, trẻ sẽ tự tìm hiểu thông tin trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội, internet. Và lúc đó, chúng ta khó có thể ngăn ngừa trẻ tiếp cận những thông tin thiếu chọn lọc, thiếu định hướng”, tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy lưu ý. (còn tiếp)


Ý kiến:
Con còn nhỏ, không nên hỏi vậy!
Con gái tôi và những đứa học trò không dám hỏi những chuyện như “Tại sao có em bé?”. Các cháu chỉ có thể hỏi bạn bè một cách kín đáo, hoặc xem hình ảnh qua điện thoại… Bản thân tôi, nếu con có hỏi thì sẽ giải thích: ‘Ba mẹ lập gia đình, sống chung với nhau và có em bé’. Chỉ nói vậy thôi. Nếu nó hỏi nữa thì nói: ‘Sau này lớn lên con lập gia đình rồi thì sẽ hiểu’. Giả sử nó cứ hỏi hoài thì bảo: ‘Con còn nhỏ mà hỏi vậy là không hay đâu!”
Tôi nhận thấy ở bậc THCS, có những bài dạy về bộ phận sinh dục, về quá trình thụ thai. Tôi không biết như vậy là hay hay dở, nhưng vô tình nó sẽ làm cho mấy đứa nhỏ tò mò về đứa những đứa khác phái, rồi khám phá, thích yêu sớm… thì cũng nguy hiểm!
(Cô Nguyễn T., giáo viên tiểu học ở tỉnh Bình Thuận)


Thời chúng tôi rất trong sáng
Theo tôi, càng dạy về giới tính càng khiến trẻ tò mò hơn đối với người khác giới. Đó là một cách vẽ đường cho hươu chạy loạn cả lên. Ngày trước, chúng tôi có được dạy gì đâu nhưng quan hệ nam nữ rất trong sáng, dễ thương. Con trai con gái lớp 12 như chúng tôi khi cầm tay nhau, thường có một khúc cây nhỏ “bắc cầu” ở giữa.
(Anh Trọng Thành, ngụ ở Q.Tân Bình, TP.HCM)
Như Lịch (ghi)

Rate this item
(1 Vote)
  • Last modified on Thứ ba, 27 Tháng 9 2016 19:57
  • font size
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.