Sống cho mình: Nên hay không? Featured

Cuộc sống chỉ trở nên tốt đẹp khi mỗi người biết mở lòng và nghĩ cho người khác một chút

 
 

Một số người trẻ hiện nay quan niệm: "Trước hết phải sống cho mình". Cách suy nghĩ này thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, nhắc nhở mọi người phải biết tự chăm lo, gìn giữ bản thân. 

Tuy nhiên, nếu lạm dụng, hiểu chưa đúng sẽ biến mình thành người ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình, luôn suy tính thiệt hơn, lúc nào cũng chăm chăm cho lợi ích của cá nhân.

Dưới đây là ý kiến một số chuyên gia bàn luận về vấn đề này.

ThS NGUYỄN HỮU LONG, giảng viên Trường Đại học Mở TP HCM:

Hoàn toàn đúng đắn nếu hiểu tích cực

Sống cho mình là điều hoàn toàn đúng đắn nếu hiểu theo nghĩa tích cực. Đó là sống phải biết bảo vệ bản thân an toàn (trước những lời mời gọi có thể mang lại nguy hiểm), sống phải biết tôn trọng bản thân (không làm điều gì tổn hại chính mình), sống phải biết chấp nhận bản thân (không có những hành động chống lại mình), sống phải biết yêu quý bản thân (không phỉ báng, xem thường mình)… 

Nhưng nếu chỉ nghĩ được như thế mà không cần quan tâm đến người khác là thiếu chuẩn xác. Bởi chúng ta không thể sống một mình mà luôn có những người bên cạnh. 

Chúng ta có được hôm nay là nhờ công sinh thành, dưỡng dục, dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, thầy cô và những người thân bên cạnh. Chúng ta có một công việc thành công không chỉ là sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân mà còn có sự đóng góp, tạo điều kiện của những người cùng làm việc.

Nếu chỉ biết nghĩ và sống cho mình sẽ không còn những nghĩa cử cao đẹp mà hằng ngày chúng ta vẫn thấy, không còn giá trị "chân - thiện - mỹ" mà chúng ta đều hướng đến và đến một lúc nào đó, những người chỉ biết sống cho mình sẽ không còn ai bên cạnh.

Cuộc sống chỉ trở nên tốt đẹp khi mỗi người biết mở lòng và nghĩ cho người khác một chút. Chí ít với những người thân yêu, hãy dành cho họ sự quan tâm dù đó chỉ là lời nói và những hành động nhỏ nhặt nhất.

TS PHẠM THỊ THÚY, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện TP HCM:

Nghĩ đến mình và hài hòa lợi ích của xã hội

"Sống cho mình" đang là xu hướng của nhiều người trẻ. Với nhiều người, sống cho mình là sống theo quan điểm, sở thích, tính cách cá nhân. Đó là lối sống hiện đại, nếu không gây ảnh hưởng đến ai thì chẳng làm sao và như thế mới là dám sống.

Tuy nhiên, những người mang tư tưởng như thế thường có xu hướng ích kỷ. Ích kỷ ở đây có nhiều mức độ, có thể chỉ là sống và hành động theo quan điểm cá nhân, không quan tâm đến gia đình, bạn bè, tập thể; chỉ lo phục vụ bản thân. 

Ở mức độ cao hơn nữa, vì quyền lợi, thỏa mãn nhu cầu cá nhân, họ có thể sẵn sàng gây hại cho người khác.

Sống cho mình: Nên hay không?- Ảnh 1.

Vậy sống cho mình sao cho đúng? Đó là không chỉ nghĩ đến mình mà còn phải hài hòa lợi ích, nhu cầu của xã hội, tập thể, phù hợp thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật. 

Muốn làm được điều này, trong mỗi gia đình, cần định hướng giáo dục con trẻ ngay từ nhỏ. Trẻ phải biết quan tâm đến chính mình trước, từ đó cảm nhận được việc quan tâm người khác như thế nào. 

Giáo dục từ sự nêu gương của bố mẹ, người lớn xung quanh, môi trường trường học. Giáo dục thông qua việc ứng xử với trẻ bằng sự tôn trọng để trẻ học được bài học tôn trọng người khác. Khi hiểu sự kết nối giữa mình với mọi người, mọi vật xung quanh thì mới hiểu cần tôn trọng, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau để chung sống hòa hợp, không làm hại nhau.

Ở góc độ gia đình, người phụ nữ của gia đình nên nghĩ về mình trước, chăm sóc bản thân mình trước khi nghĩ đến việc chăm sóc cho người khác. Hãy nhớ bạn có vui, khỏe thì mới lan tỏa được năng lực tích cực đến với mọi người xung quanh. Bạn phải vui thì chồng, con mới vui.

ThS PHẠM LÊ THANH, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM):

Muốn nhận nhiều phải biết cho đi

Trong cuộc sống, có vô số người đang cho đi với quan niệm "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Với họ, mỗi lần "cho đi" là một hạt mầm yêu thương nảy nở làm cho tâm hồn trở nên thanh thản và tự do. Quy luật muôn đời của cuộc sống đó là muốn nhận thật nhiều thì phải biết cho đi; để có được thành công và hạnh phúc, phải nỗ lực và cố gắng kiên trì.

Với ý nghĩa đó, sống cho mình nghĩa là xác định rõ lý tưởng sống của mình, sống tốt cho bản thân và khao khát cống hiến, phụng sự cộng đồng. 

Sống cho mình không tách rời sống vì mọi người, cùng làm những điều học được từ những người tốt xung quanh, từ đó góp phần lan tỏa lối sống đẹp, sống có ích. Nói tóm lại sống làm sao để không phải hối tiếc là cách sống trọn vẹn cho cả mình và cho người. 

Cần có một tấm lòng

Lựa chọn cách sống vì mình và sống cho mình giúp mỗi người có thể định hướng được cuộc đời của mình theo hướng tích cực, tạo ra sự thỏa mãn và hạnh phúc cho bản thân.

Khi sống cho mình, chúng ta không còn bị bó buộc bởi những yêu cầu, mong đợi của người khác; không cần gò bó hay ép buộc mình phải sống giống bất kỳ ai. Từ đó, giúp chúng ta tăng khả năng tự tin, độc lập và mạnh mẽ hơn, cảm thấy cuộc sống này ý nghĩa, thoải mái hơn.

Nhưng hãy giữ điều ấy ở một giới hạn đúng nhất. Đừng chỉ biết nghĩ đến cuộc sống của bản thân mà bỏ bê gia đình; đừng mải làm đẹp, chăm chút cho bản thân khi tài chính có giới hạn...

Hãy hiểu đúng sống cho mình là sống phù hợp với mong muốn của bản thân và chuẩn mực đạo đức, không làm tổn thương người khác, tôn trọng, hợp tác với người khác và đóng góp tích cực cho xã hội.

Sau cùng, nói thế nào thì "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng", để có thể sống tử tế với nhau, để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

Bạn đọc Ngô Thị Phương Thủy

 

Nguồn: https://nld.com.vn/song-cho-minh-nen-hay-khong-196240127205621022.htm

Rate this item
(0 votes)
  • Last modified on Thứ hai, 29 Tháng 1 2024 10:36
  • font size
Phạm Thị Thúy

Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình nên các Tổ Chức, Dự Án, Trung Tâm, Truyền Thông… luôn mời Thúy đóng góp ý kiến, tư vấn, đào tạo, thuyết trình những chủ đề thai giáo, kỹ năng làm cha mẹ, phương pháp sư  phạm, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con từ 0-6 tuổi…

Website: phamthithuy.vn

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.