Xử trí khi bị bạn cùng lớp tẩy chay, bắt nạt

Viết bởi Phạm Thị Thúy. Posted in Kỹ năng cho học sinh

baoluc-kynangsong

Cháu là học sinh, 16 tuổi. Lớp cháu đang xảy ra hiện tượng chia bè phái, bạn bè trong lớp đều nhìn cháu với ánh mắt khinh thường.

Cháu có xích mích với bạn nam cùng lớp, bạn ấy đã gọi các anh chị đầu gấu trong trường để dằn mặt cháu vào những giờ nghỉ. Ở trong lớp cháu thực sự căng thẳng, đến nỗi về đến nhà là chỉ muốn ôm mặt khóc.

Các bạn cùng lớp thường lên Facebook tẩy chay cháu và trong lớp cố nói to những câu nói xấu cháu để cháu nghe thấy. Cháu không biết cách nào để giải tỏa những mối xung đột bên cạnh mình. Cháu cảm thấy mệt mỏi và thực sự bế tắc... Xin hãy cho cháu một lời khuyên. (Đức)

Trả lời:

Chào cháu,

Tôi hiểu tâm trạng của cháu đang rất buồn và lo lắng khi mọi chuyện không hay mà các bạn trong lớp đem đến. Những hành vi các bạn đang làm đối với cháu được gọi là bắt nạt học đường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và là vấn đề đáng lên án.

Hậu quả của bắt nạt học đường nhẹ thì cũng là những vết bầm tím, nhưng không ít những vụ đã cướp đi sinh mạng của học sinh và gây không ít tổn thương về mặt tinh thần cũng như thể xác cho các cháu. Bởi những hậu quả nặng nề đã nêu ở trên, nếu không muốn tồi tệ thêm, cháu hãy chia sẻ cùng mọi người để tìm ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho mình cháu nhé.

- Trước tiên xem xét bạn bè trong lớp tẩy chay cháu xuất phát từ điều gì?

- Cháu đã phản ứng như thế nào với những gì các bạn đã gây ra cho cháu?

- Cháu đã báo cho gia đình cũng như  cô giáo chủ nhiệm chưa?

- Kết quả thế nào?

- Những điều cháu cần làm khi bị bắt nạt:

+ Nhìn thấy các bạn trong nhóm bắt nạt từ xa tiến lại gần, cháu phải chạy thật nhanh khỏi nơi nguy hiểm. Bởi an toàn là điều quan trọng nhất đối với cháu trong lúc này.

+ La to để kêu cứu hoặc gọi tên thầy cô, bác bảo vệ để đánh lạc hướng bạn bắt nạt.

+ Tránh đi một mình tới các chỗ vắng.  Khi có việc gì nên cố gắng rủ các bạn khác đi cùng.

+ Thay vì cô lập với các bạn trong lớp, cháu nên tìm cách để hòa đồng với các bạn: Không gây mâu thuẫn với các thành viên trong lớp, chơi với nhiều bạn hơn.

+ Cháu nên rèn luyện sức khỏe thật tốt để có thể lực và tinh thần tốt, để đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra.

+ Học hỏi và luyện tập những kỹ năng giúp mình tự tin hơn: Tập trước gương cách nhìn thẳng vào bạn bắt nạt, tập những câu mình sẽ nói với bạn, tập cách nói với người lớn về tình trạng của mình, để mọi người có thể hiểu cháu đang ở trong tình cảnh nào.

+ Không đánh lại hay nhờ người đánh lại các bạn đi bắt nạt, khiến chuyện không được giải quyết mà càng ngày càng mâu thuẫn lớn.

- Ngoài ra, cháu cần có những hành động không được làm khi đối diện với người bắt nạt:

+ Thể hiện mình sợ hãi.

+ Chạy trốn, im lặng, khóc, quỳ xuống, cầu xin được ở một mình. Những hành động này chính là việc kích thích hành vi bắt nạt diễn ra và lặp lại.

- Nếu việc bắt nạt vẫn xảy ra. Cháu  hãy báo lại việc này cho bố mẹ, ông bà, hoặc người thân, để gia đình giúp tìm cách ứng phó.

Vì những hậu quả lâu dài của việc bị bắt nạt để lại, cháu cần lên tiếng để được bảo vệ. Không nên quá sợ hãi mà giấu bố mẹ, khiến sự việc có thể trầm trọng hơn. Chúc cháu sớm giải quyết được vấn đề của mình, luôn có một tinh thần và học tập tốt.

Chuyên viên tư vấn tâm lý Trịnh Thu Hà 
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm

Phạm Thị Thúy

pham-thi-thuy   Một người mẹ của hai con, chu toàn việc gia đình, tận tâm việc xã hội, tâm huyết với nghề giáo và nghị lực học hỏi không ngừng. Thúy đã hoàn thành luận án Tiến Sĩ xã hội học và Thạc Sĩ tâm lý trị liệu. Luôn trăn trở với đề tài giáo dục gia đình và Thúy có khát khao đóng góp công sức của Thúy để chuyển tải và truyền lại lượng kiến thức đồ sộ và kỹ năng cần thiết để gia đình Việt ấm êm, luôn yêu thương và được thương yêu.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.